Swordsoul là archetype được giới thiệu trong set Burst of Destiny (BODE). Với khả năng bày sân cực mạnh bằng rất ít nguyên liệu, Archetype này ngay lập tức đã chiếm vị trị trong meta OCG ngay tuần đầu tiên ra mắt với tỷ lệ đại diện rất cao, và hứa hẹn sẽ làm mưa làm gió trong các Meta sắp tới khi mà các hỗ trợ của Swordsoul còn chưa phát hành hết.
Một điều đáng chú ý của archetype này đó là artwork của mỗi card đều phác họa một vị chiến binh cực kỳ hoành tráng mặc giáp trụ theo kiểu những vị tướng của Trung Quốc thời xưa. Và cách đặt tên của những quái thú này, nếu như bản dịch sang tiếng Anh hiện giờ là chính xác, thì tương ứng với mỗi quái thú là tên của một thanh kiếm nổi tiếng trong truyền thuyết của Trung Quốc thời kỳ Xuân Thu Chiến quốc. Một số trong những thanh kiếm này được rèn bởi thợ rèn huyền thoại Âu Dã Tử và vẫn còn rất nổi tiếng trong những bộ tiểu thuyết ngày nay.
Nào chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về từng quái thú mang tên những thanh kiếm huyền thoại nhé.
1. Thừa Ảnh
相剣大公-承影/ Swordsoul Supreme Sovereign - Chengying
Trong số 10 thanh kiếm huyền thoại thì Thừa Ảnh là thanh kiếm bí ẩn nhất. Nó bí ẩn đến mức chẳng có nhiều câu chuyện trong lịch sử nói về nó; tất cả những gì chúng ta biết được chỉ là qua những truyền thuyết mà thôi. Theo truyền thuyết của Đạo giáo, Thừa Ảnh là một thanh trường kiếm không có lưỡi.
Thừa Ảnh
Thế nhưng vào thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn, thời khắc chuyển giao giữa bóng tối và ánh sáng, và chỉ ở những thời điểm này thôi, người ta nói rằng nó để lại một cái bóng trên bức tường. Đường kiếm vung lên chỉ như gió thoảng qua, nhưng cũng đủ để đốn ngã cây thông lớn sắc ngọt ngay tận gốc. Có lẽ chính vì sức mạnh huyền bí của nó mà hiện thân của Thừa Ảnh trong YGO là quái thú mạnh nhất của archetype với sức mạnh thừa hưởng từ trong bóng tối (tăng atk cho mỗi card bị banish) và khả năng chém ngã bất cứ kẻ thù nào cho dù còn sống hay đã chết (banish 1 card từ mộ và trên field).
2. Xích Tiêu
相剣大師-赤霄/ Swordsoul Grandmaster - Chixiao
Câu chuyện về thanh kiếm Xích Tiêu gắn liền với một giai thoại nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, ở thời nhà Tần – Hán. Thời đó có một gã thanh niên lông bông, thích khoe khoang, khoác lác. Một ngày nọ, hắn kiếm được ở đâu đó một thanh thép cũ gỉ sét và khoe với tất cả mọi người hắn gặp rằng đó là thanh kiếm Xích Tiêu hắn nhận được từ tiên nhân trong núi Nam Sơn, và mình là đầu thai của Xích Long mang số phận thống nhất thiên hạ. Hắn còn nói rằng nguyên khí của Hoàng đế đã biến thành rắn trắng ngự ở đầm Phong Tây, và hắn sẽ là người giết được nó. Tất nhiên, chẳng ai tin lời hắn; gã khoác lác đó vốn chỉ là một tên lười biếng mê gái tầm thường, làm sao có thể làm nên đại nghiệp chứ?
Xích Tiêu
Nhưng rồi một đêm nọ, một sự việc xảy ra đã khiến cho tất cả mọi người phải thay đổi suy nghĩ. Đêm đó, một đám thanh niên lên đường tới Phong Tây để học việc, trong đó có cả gã thanh niên khoác lác kia. Trên đường tới đó, họ bị một con rắn khổng lồ màu trắng chắn ngang đường. Kinh sợ con vật hung dữ, không ai dám động đậy tới một cơ bắp, ngoại trừ gã thanh niên khoác lác. Vung thanh “kiếm” của mình lên, hắn xả một nhát đứt đôi con vật.
Trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người, thanh sắt vừa tiêu diệt con rắn biến thành một thanh bảo kiếm có lưỡi đỏ rực nạm 7 viên châu và 8 viên ngọc tỏa sáng rực rỡ. Trên lưỡi kiếm có khắc hai chữ “Xích Tiêu”. Bấy giờ mọi người mới nhận ra rằng gã thanh niên kia không hề khoác lác một chút nào. Gã thanh niên đó không ai khác chính là Hán Cao Tổ Lưu Bang, người sau này sẽ đứng đầu cuộc khởi nghĩa lật đổ nhà Tần và lập ra triều đại nhà Hán.
Vì lý do đó, Xích Tiêu thường được biết đến với danh hiệu thanh kiếm của vương quyền, ai đã cầm trong tay sẽ là bậc đế vương, thống nhất thiên hạ. Có lẽ vì vậy mà đại diện của Xích Tiêu trong YGO có năng lực vô hiệu hóa tác dụng của những quái thú khác, khiến cho chúng phải quy phục dưới chân mình, đồng thời còn có khả năng hiệu triệu những lực lượng khác từ bộ bài về dưới trướng để hỗ trợ mình giành chiến thắng.
3. Thuần Quân
相剣瑞獣-純鈞/ Swordsoul Auspice Chunjun
Thuần Quân là thanh bảo kiếm đại diện cho sự thuần khiết. Là một trong năm thanh kiếm được Âu Dã Tử rèn cho Việt vương Câu Tiễn. Âu Dã Tử lấy tầm sét làm búa, lấy hơi thở của rồng làm lửa, lấy nước mưa để tôi và sử dụng loại than tốt nhất mà hoàng đế ban tặng để rèn ra thanh kiếm này, với toàn bộ kỹ năng ban tặng bởi trời đất, và cái giá phải trả để hoàn thành thanh kiếm này chính là tính mạng của chính người thợ rèn huyền thoại.
Thuần Quân
Tương truyền, Việt vương Câu Tiễn đã từng yêu cầu một vị danh kiếm đánh giá tất cả những thanh bảo kiếm mà ông sở hữu trong kho vũ khí của mình. Bỏ qua tất cả hằng hà sa số những thanh kiếm khác của hoàng gia, vị danh kiếm này chỉ lựa chọn ra một thanh kiếm duy nhất, chính là Thuần Quân, và khuyên vua không được đổi thanh kiếm này cho bất cứ ai, kể cả dẫu có được trăm thành vạn ngựa đi nữa.
Và quả thật điều đó không sai, vì thanh kiếm quý giá này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay và hiện đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc. Trong YGO, Thuần Quân được đại diện bởi hình ảnh một con sư tử oai nghiêm với khả năng bảo vệ cho quái thú khác khi bị tấn công, đồng thời có khả năng hỗ trợ Synchro Summon rất mạnh mẽ.
4. Long Uyên
相剣軍師-龍淵/ Swordsoul Strategist Longyuan
相剣大邪-七星龍淵/ Swordsoul Catastrophe - Qixing Longyuan
Thanh kiếm này không nằm trong Ngũ đại kiếm mà Âu Dã Tử rèn cho Việt vương Câu Tiễn, mà được rèn bởi ông cùng với học trò của mình là Can Tương cho Sở Chiêu vương, trong bộ ba thanh kiếm Long Uyên, Thái A và Công Bố. Đúc nên thanh kiếm này, Âu Dã Tử và Can Tương đã phải đục núi Tì Sơn cho dòng suối trong núi chảy ra, đến bên lò đúc kiếm tạo thành bảy cái ao xếp theo hình bảy ngôi sao của chòm sao Bắc Đẩu, vì thế nên còn được gọi là Thất tinh Bảo kiếm. Sau khi kiếm thành hình, nhìn vào thân kiếm tưởng như lên núi cao mà nhìn xuống vực sâu, lúc ẩn lúc hiện, có hình phảng phất như con rồng lớn cuộn nằm, vì thế nên thanh kiếm mới mang cái tên là Long Uyên.
Long Uyên
Thanh kiếm này gắn liền với danh tướng Ngũ Tử Tư và câu chuyện về ông ngư phủ. Ngũ Tử Tư bị gian thần hãm hại, bị binh mã nước Sở truy sát. Chạy đến bờ Trường Giang không biết phải đi đâu nữa, chợt thấy trên đầu nguồn có một chiếc thuyền con chèo tới, ngư ông vẫy gọi ngài lên thuyền, tránh cho ngài khỏi kiếp nạn. Thoát nạn rồi, Ngũ Tử Tư rút thanh Long Uyên truyền lại từ ba đời tặng cho ngư ông để tạ ơn. Ngư ông thở dài: “Ta cứu ngài vì ngài là trung thần của đất nước, nay ngài lại nghĩ ta làm vậy để tư lợi, ta đành lấy cái chết để tỏ lòng cao khiết vậy.” Nói đoạn cầm Long Uyên đưa ngang cổ mình tự vẫn. Kể từ đó, Long Uyên được biết đến như thanh kiếm biểu trưng của lòng thành tín liêm khiết.
Đúng như cái tên của mình, trong YGO, Long Uyên được đại diện bởi một vị tướng có hình dạng của rồng, với cái đuôi có vảy và móng sắt trang trí áo giáp.
Dạng nâng cấp của Long Uyên trong YGO với hình thái một Synchro Monster mang cái tên là Thất Tinh Long Uyên, thanh kiếm của tai ương thảm khốc, được hình thành sau khi Long Uyên ký một khế ước bí ẩn với lực lượng bóng tối Despia. Nhận xét cá nhân của người viết là điều này hơi… phá lore vì trong lịch sử Long Uyên là thanh kiếm của sự liêm khiết và trung thành, nhưng ở đây Long Uyên lại là kẻ phản bội Thập đại danh kiếm để tiếp nhận sức mạnh bóng tối từ Despia. Dù sao thì chúng ta cũng sẽ đợi xem Konami sẽ đưa ra câu trả lời như thế nào về điều này nhé.
5. Thái A
相剣師-泰阿/ Swordsoul of Taia
Thái A bảo kiếm có nước kiếm sắc ngọt, chém sắt như chém bùn, được đúc ra từ một mảnh “thiết anh” do Âu Dã Tử tìm được trên núi Tần Khê, Triết Giang và được coi là một bảo vật trấn quốc của nhà Chu. Biết được thanh kiếm này thuộc sở hữu của vua nước Chu, vua nước Tấn rất bực tức và cho quân xâm lược nước Chu, với mục đích chiếm lấy thanh kiếm làm của riêng cho mình. Chỉ nội trong một ngày nữa thôi là quân đội nước Tấn sẽ làm cỏ nước Chu. Vua nước Chu trong lúc tuyệt vọng, liền rút Thái A ra khỏi bao mà than rằng: “Thái A, hôm nay máu trẫm sẽ đổ để tế kiếm!”
Thái A
Vừa dứt lời thì thanh kiếm vụt tỏa sáng, và một điều kỳ diệu xảy ra: hàng ngũ quân Tấn đột nhiên rối loạn, quân sĩ mất hết tinh thần chiến đấu, tất cả quay đầu tháo chạy tán loạn, và quân đội nhà Chu chỉ việc xông ra chém giết một trận, nháy mắt đã tiêu diệt toàn bộ đội quân nước Tấn không để sót một tên. Vua nước Chu kinh ngạc nhìn thanh kiếm trên tay mình mà than rằng: “Sao thanh kiếm này có thể mạnh làm vậy?”
Mưu sĩ của ngài nói rằng, sức mạnh của thanh kiếm được sinh ra chính nhờ sức mạnh của ngài, nhờ lòng dũng cảm dám đối mặt với cường địch không hề nghĩ đến việc rút lui. Nhờ đó mà Thái A được người đời sau biết đến như thanh kiếm của sức mạnh và sự kiên dũng. Về sau này, ở thời nhà Nguyễn, vua Gia Long cũng sở hữu một thanh kiếm mang tên Thái A và hiện giờ đang lưu lạc tại một bảo tàng ở Pháp, nhưng đó có phải là thanh bảo kiếm Thái A do Âu Dã Tử đúc ra hay không thì đến giờ vẫn chưa được xác nhận.
Trong archetype Swordsoul, Thái A được đại diện bởi một vị hiệp sĩ mặc bộ giáp bạc với thanh kiếm bạc sáng lóa trên tay, và có năng lực cho phép setup mộ để Xích Tiêu tiếp tục sử dụng effect khống chế kẻ địch của mình. Quả xứng với một thanh kiếm khi rút khỏi bao là làm muôn vạn kẻ thù phải sợ hãi tháo chạy.
6. Can Tương và Mạc Tà
相剣師-莫邪/ Swordsoul of Mo Ye
Trong số 10 thanh kiếm trong truyền thuyết Trung Hoa thì có lẽ Can Tương hùng kiếm và Mạc Tà thư kiếm là hai thanh kiếm nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất. Bạn nào đã từng biết đến Nasuverse nói chung cũng như bộ VN Fate/stay night nói riêng thì có lẽ sẽ không lạ lẫm gì với hai thanh kiếm này, vì chúng là vũ khí ưa thích của nhân vật chính Emiya Shirou và phiên bản tương lai bá đạo của cậu, Archer.
Hai thanh kiếm được tạo nên bởi học trò của Âu Dã Tử, Can Tương cùng với vợ của ông là Mạc Tà để dâng cho Ngô vương Hạp Lư. Sắt tốt đã có, lò bễ đã đỏ lửa, nhưng làm sao đi nữa thì Can Tương cũng không thể nung chảy được quặng sắt để rèn kiếm. Thấy chồng mình lo lắng, Mạc Tà, vốn cũng là thợ rèn kiếm và là một kiếm sĩ tài giỏi, hỏi rằng “Sắt nung không chảy, giờ phải làm sao?” Can Tương trả lời: "Xưa đại sư Âu Dã Tử rèn kiếm, quặng sắt không chảy phải để một người phụ nữ nhảy vào lò thì việc rèn sau mới thành công". Nghe vậy, Mạc Tà quyết định sẽ đánh cược cả mạng sống của mình. Bà tắm rửa chải tóc, và sau khi nói lời vĩnh biệt chồng, bà tự mình nhảy vào lò bễ, quả nhiên quặng sắt chảy ra.
Can Tương đau xót vô cùng, lấy sắt đó rèn thành hai thanh bảo kiếm cực kỳ sắc bén. Ông giữ lại thanh hùng kiếm Can Tương cho mình và chỉ dâng thanh thư kiếm Mạc Tà cho Ngô vương. Biết được chuyện Can Tương giấu đi một thanh kiếm làm của riêng, Hạp Lư vô cùng tức giận và sai người bắt Can Tương đem chém. Khi binh sĩ vừa tới nơi thì đột nhiên thanh Mạc Tà biến thành một con rồng xanh cõng Can Tương bay mất. Thanh Can Tương cũng biến mất không một dấu vết. Vì thế nên hai thanh kiếm Can Tương Mạc Tà được mệnh danh là song kiếm của tình yêu.
Mạc Tà
Theo sách Ngô Việt Xuân Thu, Can Tương đã biết được phản ứng của nhà vua, vì vậy nên ông đã viết lại một bức thư cho con trai mình tên là Xích, chỉ chỗ mình giấu bảo kiếm để con trai sau này trả thù. Tìm được kiếm Can Tương, Xích bèn dâng cả đầu mình lẫn bảo kiếm cho một vị sát thủ nhờ báo thù giúp mình. Vị sát thủ này sau này giết được vua và cũng tự cắt luôn đầu mình, cả ba người cùng được tôn xưng làm vương và ba cái đầu được chôn cùng một mộ, gọi là Mộ Tam vương, ở Nhữ Nam, Hà Nam, Trung Quốc.
Trong YGO, thư kiếm Mạc Tà được đại diện bởi một nữ kiếm sĩ xinh đẹp sử dụng thanh trường kiếm có lưỡi phân khúc. Effect của Mạc Tà là khi được triệu hồi sẽ có thể reveal một thanh kiếm khác trên hand để triệu hồi token tuner cho synchro, và khi được dùng để synchro sẽ cho phép rút 1 lá bài. Còn Can Tương thì hiện giờ vẫn chưa được tiết lộ; có lẽ trong các set tới Konami sẽ cho chúng ta biết.
Như vậy, với sự hiện diện của Archetype Swordsoul trong BODE, chúng ta đã được biết 6 trong số 10 thanh kiếm huyền thoại của Trung Hoa đó là Long Uyên, Thuần Quân, Mạc Tà, Xích Tiêu, Thái A và Thừa Ảnh; còn lại 4 thanh kiếm nữa vẫn chưa được xuất hiện đó là Trạm Lư, Ngư Trường, Thắng Tà và Can Tương. Chúng ta sẽ chờ các sản phẩm tới để xem những thanh kiếm còn lại sẽ thể hiện sức mạnh bá đạo của mình ra sao nhé!
- Skyfall -