[TRIVIA] Tổng Hợp Tháng 04/2025: Thi Ca Của Lửa Gạo

Những vị thần của Nhật Bản không phải là quá xa lạ trong những bài viết Trivia của Legendary Yugioh Shop, tuy nhiên chủ đề này luôn là 1 kho tàng đồ sộ cho những sự khai thác văn hóa hàng tháng của chúng tôi. Đặc biệt, với sự ưu ái của Konami trong việc đưa chất liệu sử thi và văn hóa Nhật Bản vào trong Yugioh, chúng ta luôn có những câu chuyện thú vị và đậm sức sống nhất trong series Trivia hàng tháng này! Hãy cùng đến với tổng hợp bài viết của chúng tôi ngày hôm nay.

1: Eclipse Twins - Chạm Nhau Qua Thời Khắc Nhật Thực

Khi nhắc đến xứ sở Nhật Bản, chúng ta không thể nào bỏ qua những yếu tố thần linh đã khắc sâu vào văn hóa xứ sở hoa anh đào. Cũng như những nền văn minh khác trên thế giới, Nhật Bản cũng gửi gắm những yếu tố thiên nhiên, đức tin và sự tốt đẹp tương ứng với những vị thần tối cao.

Những vị thần quyền năng của Nhật Bản

Mặt trời, mặt trăng, sấm sét, gió bão đều được đại diện bởi những đấng quyền năng và khắc sâu trong dân gian Nhật Bản. Trong vô vàn câu chuyện đó, có câu chuyện về hai vị thần AmaterasuTsukuyomi là một phần quan trọng trong thần thoại Nhật Bản, phản ánh cách người xưa lý giải về mặt trời và mặt trăng, cũng như sự phân đôi giữa ánh sáng và bóng tối, thiện và nghiêm khắc. Nếu như AmaterasuNữ Thần Mặt Trời thì Tsukuyomi chính là Nam Thần Mặt Trăng. Cả hai đều là con của Izanagi – vị thần sáng tạo trong Thần đạo Nhật Bản.

Nữ thần Amaterasu trong Yugioh (trái - phải) và trong khắc họa của dân gian Nhật Bản (giữa)

Theo truyền thuyết ghi lại trong Kojiki (Cổ sự ký), sau khi Izanagi trở về từ địa ngục (Yomi) và thanh tẩy cơ thể, từ mắt trái ông sinh ra Amaterasu rực rỡ, nhân hậu. Từ mắt phải sinh ra Tsukuyomi điềm tĩnh, lạnh lùng. Từ mũi ông còn sinh ra Susanoo – thần Bão tố, dữ dội và nổi loạn.

Nam thần Tsukuyomi trong Yugioh (trái - phải) và trong khắc họa của dân gian Nhật Bản (giữa)

Truyện kể lại rằng, ban đầu, AmaterasuTsukuyomi cùng trị vì bầu trời – mặt trời và mặt trăng cùng nhau tuần hoàn. Nhưng sau đó xảy ra một biến cố dẫn đến chia ly. Một lần, Amaterasu cử Tsukuyomi đi thay mình dự một buổi yến tiệc của Ukemochinữ thần Lương thực. Khi đến nơi, Ukemochi tiếp đãi Tsukuyomi bằng cách tạo ra thức ăn kỳ diệu từ miệng, mũi và các bộ phận cơ thể (theo phong tục thần linh lúc bấy giờ). Tsukuyomi thấy điều đó là “ghê tởm” và không xứng đáng – vì vậy, ông tức giận và... giết chết Ukemochi tại chỗ. Khi Amaterasu nghe tin, bà vô cùng phẫn nộ: “Ngươi là kẻ hung ác, ta không thể sống cùng ngươi trên bầu trời nữa!”. Và từ đó, bà tách khỏi Tsukuyomi.

Ukemochi – nữ thần Lương thực

Từ đó trở đi, AmaterasuTsukuyomi không bao giờ gặp nhau trên bầu trời nữa. Mặt trời và mặt trăng thay nhau chiếu sáng ngày đêm – đây là lời giải thích thần thoại cho hiện tượng thiên văn tự nhiên. Sự chia ly của họ biểu trưng cho sự mất cân bằng giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái thiện và cái nghiêm – cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, game và truyện tranh Nhật Bản. Trong văn hóa Nhật, Amaterasu được tôn thờ là tổ tiên của hoàng tộc, đại diện cho sự sống, ánh sáng và trật tự. Còn Tsukuyomi thường bị gắn với sự lạnh lùng, xa cách, nhưng cũng là biểu tượng của lý trí, sự trầm tĩnh và cân bằng nội tâm.

Tượng trưng của Tsukuyomi và Amaterasu

Trong artwork của Eclipse Twins, dù không mô phỏng hoàn toàn dáng dấp của những thẻ bài đã được thiết kế dựa vào chính AmaterasuTsukuyomi, nhưng chúng ta vẫn thấy rất rõ nét những yếu tố thần linh khắc họa trong thẻ bài này. Một bên là mặt trời đỏ rực ấm áp, một bên là mặt trăng xanh ngắt lạnh lùng. Cả 2 không đội trời chung mà chỉ gặp nhau duy nhất khi Nhật thực xuất hiện. Sự giao nhau ấy không chỉ là minh chứng cho sự khắc nghiệt của tạo hóa, mà còn như sự cân bằng thiện – ác vốn đã tồn tại trong mọi ngóc ngách trong cuộc sống chúng ta.

Khắc họa tương đối chính xác Tsukuyomi và Amaterasu (Eclipse Twins)

2: Ukanomitsune-no-Tamayura: Thi Ca Của Lửa Gạo

Ngày xửa ngày xưa, khi loài người còn mới chập chững học gieo trồng và cảm tạ trời đất, Ukanomitama ra đời từ linh khí của thiên giới. Tên của nàng, “mitama” là linh hồn thiêng liêng, “uka” là lương thực, là lúa gạo – nàng chính là linh hồn của lúa, là hơi thở của ruộng đồng. Nàng không phải là chiến thần, chẳng phải thần gió, thần sấm, mà là nữ thần của sự dịu dàng, của dòng chảy sinh dưỡng bất tận – nơi hạt giống nảy mầm, nơi những bàn tay nông dân dính đầy bùn đất nhưng tim lại ấm no.

Ukanomitama - nữ thần lúa gạo

Ở một số truyền thuyết, Ukanomitama được sinh ra từ miệng của Susanoo-no-Mikoto, vị thần nổi loạn và hoang dại. Khi Susanoo giết nàng, từ cơ thể nàng mọc lên những hạt giống lương thực quý giá: gạo từ mắt, lúa mạch từ mũi, đậu từ tai, kê từ bộ phận sinh dục. Cái chết của nàng không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho mùa màng nhân loại.

Trong nhiều đền đài, Ukanomitama được đồng nhất với Inari Ōkami – thần bảo hộ của mùa màng, thương mại, và cả rèn luyện tinh thần. Ở Nhật, hàng ngàn đền Inari với cổng torii đỏ rực rỡ, hàng nghìn con cáo thần (kitsune) – sứ giả trung thành – được dựng lên để tưởng nhớ và thờ phụng nàng. Người ta tin rằng khi ngươi cúng gạo cho Ukanomitama, nàng sẽ ban lại sự phồn thịnh cho cả làng.

Ukanomitama gắn liền với Inari Okami

Ukanomitama mang dáng dấp của một thiếu nữ thanh khiết, y phục là kimono trắng tinh thêu hoa văn sóng lúa vàng óng – tượng trưng cho sự trong sạch và phồn thực. Mái tóc nàng dài đen như suối, đôi khi được tết lại và cài bằng trâm ngọc hình bông lúa, đôi khi xõa bay theo gió đồng.

Bên cạnh Ukanomitama luôn có cáo thần kitsune

Đôi mắt nàng trầm và sáng như nước mùa thu, phản chiếu linh hồn của mùa màng – buồn vui của người nông dân, và cả sự điềm tĩnh của thiên nhiên. Khi nàng nhìn, vạn vật như dừng lại thở một nhịp. Trên tay nàng, thường mang theo bó lúa chín, hoặc một gùi thóc – đôi khi là một cái khay dâng lễ bằng gỗ, đặt đậu, gạo, rượu sake... Những vật phẩm ấy không phải của cải, mà là tình thương từ đất mẹ. Phía sau nàng, hồ ly trắngkitsune – nhẹ bước đi cùng. Không dữ dội, không ẩn dụ ma mị, mà là biểu tượng của trí tuệ, của sự kết nối giữa người và thần.

Chúng ta có thể thấy rõ phác họa phần nào của Ukanomitama khi xuất hiện trong Yugioh với cái tên Ukanomitsune-no-Tamayura. Một nữ thần với dáng vẻ của cáo thần, đền Inari với cổng torii đỏ rực ấm áp, và trên hết đó chính là khung cảnh lúa gạo đang thi nhau đua nở báo hiệu cho mùa màng bội thu sắp tới đến với người dân cầu mong mưa thuận gió hòa. Tuy nhiên, phác họa của thẻ bài này chưa dừng lại ở đó. Chữ “mitsune” trong tên còn đại diện cho cách đọc kun’yomi của số 3 của Nhật Bản. Chính vì lẽ đó, mà thẻ bài này có cấp độ 3, phòng thủ 300 và có 3 mặt nạ trong thiết kế của nó vậy. Đó mới chính là tất cả những khắc họa trọn vẹn nhất của Ukanomitsune.

Tạo hình đậm chất văn hóa của Ukanomitsune-no-Tamayura

(Ukanomitsune-no-Tamayura)

Như vậy, chúng ta đã đi qua 1 bài viết nhẹ nhàng với những khung cảnh tươi sáng mang lại những điều lạc quan trong lối sống và tập tính thờ cúng tâm linh của người dân xứ sở mặt trời mọc. Hi vọng rằng những quan điểm và những điều tốt đẹp gửi gắm qua từng câu chuyện này sẽ còn đọng lại trong chúng ta mãi về sau.

Nguồn ảnh và thông tin: Internet

Tác giả: Clear Mind

Viết bình luận